Chính phủ Nhật Bản đã khởi động cuộc điều tra liên quan đến khoảng 700 sinh viên nước ngoài, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam, ngừng tham gia các lớp học tại Đại học Phúc lợi xã hội Tokyo và không có liên lạc với trường kể từ tháng 4 năm trước. Đáng chú ý, một số trong số họ đã quá hạn visa.
Theo Mainichi ngày 18/3, Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (JASSO) cho biết đến tháng 5 năm ngoái, Đại học Phúc lợi xã hội Tokyo có tổng cộng 5.130 sinh viên nước ngoài đang theo học, trong tổng số 8.000 sinh viên. Đây là tổ chức giáo dục có số lượng sinh viên nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, chỉ sau Đại học Waseda với 5.410 sinh viên.
Cách đây một tuần, Đại học Phúc lợi xã hội Tokyo đã thông báo rằng họ đã mất liên lạc với khoảng 700 sinh viên nước ngoài tại cơ sở Oji, khu Kita, Tokyo. Các sinh viên này đến từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, Nepal và Trung Quốc, và hiện đã bị xóa tên khỏi danh sách sinh viên của trường, theo văn phòng truyền thông ở Nagoya.
Đây không phải lần đầu tiên mà trường này ghi nhận sự biến mất của sinh viên nước ngoài. Năm 2016, họ đã ghi nhận 264 trường hợp tương tự và trong năm 2017 có 493 sinh viên mất tích. Trong nhiều trường hợp, sinh viên đã tham gia lớp học vài buổi sau đó ngừng đóng học phí và biến mất.
Đại học Phúc lợi xã hội Tokyo có nguồn gốc từ năm 2000 tại thành phố Isesaki, tỉnh Gunma, và hiện có bốn cơ sở ở Tokyo (2), Isesaki (1) và Nagoya (1).
Vào năm 2017, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã thông báo về việc phát hiện hàng chục sinh viên nước ngoài tại trường này đang cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản sau khi thị thực của họ đã hết hạn.