Quy định học sinh, sinh viên không được làm thêm quá 20 giờ trong 1 tuần trong dự thảo Luật Việc làm

Sinh viên lo gặp khó

Sinh ra tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội), Thanh Huyền, sinh viên năm cuối Đại học Văn hóa phải tự trang trải khoản tiền ăn học hằng tháng, do gia đình không đủ điều kiện chu cấp. Mỗi tháng, Huyền chi tối thiểu 3 triệu đồng cho các khoản thiết yếu như ăn uống, xăng xe đi lại, đồ dùng học tập…

![Thanh Huyền, sinh viên năm cuối Đại học Văn hóa làm thêm ngoài giờ học.](Có nên siết thời gian làm thêm với sinh viên?-Ảnh 1)

Để có khoản tiền đó, Huyền phải làm thêm ngoài giờ học, tất cả các ngày trong tuần tại một quán cà phê nhỏ ở phố Khâm Thiên. Tiền công Huyền được trả 100.000 đồng/ngày, với điều kiện mỗi ngày làm đủ 5 giờ.

Đón nhận thông tin dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định siết thời gian sinh viên làm thêm bán thời gian, Huyền bày tỏ: “Quy định này nhằm mục tiêu chăm lo cho sinh viên tập trung vào việc học. Song nếu áp dụng, việc giới hạn thời gian sẽ khiến em và nhiều sinh viên không đảm bảo được chi phí ăn học hằng tháng”.

Sinh Vien

Huyền dẫn chứng, nếu thời gian làm thêm giới hạn 2,8 giờ/ngày, nhân với lương trung bình 20.000 đồng mỗi giờ, mỗi ngày cô chỉ được nhận 56.000 đồng, làm đủ 30 ngày nhận về 1,68 triệu đồng/tháng. Số tiền này mới đáp ứng được 50% nhu cầu chi tiêu tối thiểu.

“Đấy là chưa tính những hôm nghỉ làm đi học, đi thi. Em nghĩ thời gian hợp lý để sinh viên vừa học, vừa làm nên quy định trung bình 30-35 giờ/tuần, gồm cả thời gian làm những ngày nghỉ cuối tuần”.

Tương tự, Quang Huy, sinh viên trường Đại học Phenika, hiện đang làm bán thời gian tại cửa hàng giày trong Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông cho rằng, quy định làm thêm tối đa 20 giờ/tuần là chưa thỏa đáng, không phù hợp với thực tế.

“Nhiều sinh viên như em đang phải tự trang trải chi phí ăn học tại Hà Nội. Như tôi đang phải đi làm thêm 6 giờ/ngày, 6 ngày/tuần để có mức lương 5 triệu/tháng, đủ chi trả cho các nhu cầu”.

Chủ sử dụng lao động cũng lo

Một sinh viên khác đến từ Quảng Ninh, đang bán hàng tại cửa hàng chuyên đồ nội địa Nhật (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ có những ngày em phải làm thêm đến 15 giờ/ngày.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến dành một chương quy định về chính sách hỗ trợ việc làm thanh niên, trong đó có quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.

Cụ thể, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Trách nhiệm quản lý làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Nếu chiếu theo quy định trong dự thảo luật, em chỉ còn 5 giờ nữa là đạt giới hạn thời gian làm thêm trong 1 tuần. Mức thu nhập trong khoảng thời gian ngắn đó không thể đáp ứng được nhu cầu chi tiêu hằng tháng khi tiền phòng trọ, điện, nước luôn luôn tăng.

“Quy định này nếu được thông qua, không chỉ làm khó sinh viên, mà còn làm khó cả những người tuyển dụng lao động”, chị Bùi Thị Nhung, chủ shop quần áo nam tại phố Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho hay.

Chị Nhung cho biết, thường thuê sinh viên làm thêm bán thời gian. Mỗi ca 5 giờ, nhân viên bán hàng theo 2-3 ca một ngày. Nếu quy định chỉ 2,8 giờ/ngày, sẽ rất khó tuyển dụng, quản lý người làm. “Bất tiện lắm, mỗi lần giao ca kiểm kê bàn giao mất nhiều thời gian, chia nhỏ 4-6 ca thì nhân viên phải giao ca liên tục”, chị Nhung nói.

Tránh dập khuôn, cứng nhắc

TS Cao Xuân Liễu, Giảng viên Học viện Quản lý giáo dục cho hay, sinh viên làm thêm để trang trải cuộc sống là một nhu cầu hết sức chính đáng. Tất nhiên, việc này không được vi phạm pháp luật về lao động hay quy chế của nhà trường.

Với mỗi sinh viên, nhu cầu tìm việc làm thêm lại xuất phát từ những mục đích, mục tiêu khác nhau. Chưa kể, việc sinh viên tự mình cân đối thời gian giữa các công việc thường nhật cũng là một kỹ năng quan trọng cần phải học trước khi bước ra ngoài ngưỡng cửa trường học để vào đời.

Ông Liễu cho rằng, quy định này đặt ra không sai. Nhiều nước trên thế giới đã có những quy định về thời gian làm thêm ngoài giờ học, đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất với sinh viên. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, hành lang pháp lý ở ta đã có đủ để kiểm soát được sinh viên đi làm thêm như ở các nước phương Tây hay chưa là điều cần phải nghiên cứu kỹ.

Ông Liễu cho rằng, không nên đóng một khung quy định cứng nhắc, quy định đưa ra cần hướng đến sự đồng bộ và nhất quán, hướng dẫn cụ thể: “Ví dụ trong công tác đào tạo, đi học đầy đủ, đáp ứng các điều kiện dự thi sinh viên mới được đi thi; Thì quy định về quản lý sinh viên làm thêm bán thời gian cũng cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể như vậy, không nên dựng một hàng rào rồi bỏ ngỏ”, ông Liễu nói.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho rằng nên để cho các em được lựa chọn thời gian biểu hợp lý nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo Luật Lao động, không nên quy định chặt chẽ cụ thể số giờ.

Với quy định cơ sở giáo dục quản lý các sinh viên làm việc bán thời gian, ông Triều cũng cho rằng, nội dung này rất khó thực hiện, thậm chí là không quản lý được. “Trường học là nơi đào tạo, quản lý chuyên môn, còn việc làm thêm là cuộc sống bên ngoài nhà trường của các em, rất khó để nắm bắt, quản lý. Theo tôi, nên bỏ quy định này, vì dễ dẫn đến tình trạng luật quy định nhưng không thực hiện, gây phức tạp trong quá trình thực thi”, ông Triều kiến nghị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *