Năm 2024 Nhiều Trường Mở Ngành Mới, Tăng Chỉ Tiêu Tuyển Sinh
Năm 2024 chứng kiến sự ‘lên ngôi’ của ngành Vi mạch, Bán dẫn khi hàng loạt trường đại học mở các chương trình đào tạo. Theo dự báo của các chuyên gia, Việt Nam đang rất “khát” nhân lực ngành này khi thiếu khoảng 20.000 nhân lực trình độ đại học của ngành này trong 5 năm tới và con số này lên đến khoảng 50.000 người trong 10 năm tới. Đây cũng là ngành đang “khát” nhân trên toàn cầu khi dự kiến đến năm 2030, ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân lực. Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về cơ hội và thách thức đối với thí sinh quan tâm đến ngành này.
Mở ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các trường đại học đã mở chương trình đạo tạo ngành vi mạch, bán dẫn đồng thời tăng chỉ tiêu những ngành gần. Nhiều đơn vị đã công bố mở ngành này như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội…
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết công bố mở Chương trình đào tạo Vi điện tử – Thiết kế vi mạch, thuộc Khoa Điện tử – Viễn thông với 60 chỉ tiêu. Để phục vụ cho việc đào tạo này, ngoài chuẩn bị nhân lực, trường cũng tăng cường trang bị cơ sở vật chất với phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch cùng các phần mềm chuyên dụng đồng thời nâng cấp các phòng thí nghiệm điện tử. Trường cũng vừa đưa vào sử dụng một phòng máy tính phục vụ đào tạo lĩnh vực Vi điện tử – Thiết kế vi mạch.
Trường Đại học FPT thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, đào tạo lứa học viên, sinh viên đầu tiên từ năm nay với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và thực hiện các nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Trường Đại học Phenikaa cũng mở ngành mới trong năm nay, dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông (Thiết kế vi mạch – bán dẫn) với 50 chỉ tiêu. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tuyển khoảng 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch – bán dẫn với 40 chỉ tiêu. Học viện Bưu chính Viễn thông mở chuyên ngành Vi mạch bán dẫn trong ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử.
Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano.
Ngành “hot” có tồn tại được lâu dài ?
Theo Phó trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Bưu chính Viễn thông, bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, dù là chuyên ngành mới mở nhưng nhà trường nhận được rất nhiều câu hỏi từ các thí sinh quan tâm đến ngành này, đặc biệt là trong Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh-hướng nghiệp vừa được tổ chức gần đây. “Rất nhiều bạn muốn đăng ký trực tiếp vào ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử để học chuyên ngành Vi mạch, bán dẫn. Nhưng ai cũng có câu hỏi về việc thời điểm này ngành đang ‘hot’ nhưng liệu sau 4 năm học đại học ra trường, ngành còn ‘hot’ nữa không?” bà Huệ cho biết.
Trả lời câu hỏi này của các thí sinh, bà Huệ cho rằng hiện nay mới là thời điểm bắt đầu xu thế của ngành Vi mạch, bán dẫn. Năm nay cũng gần như là năm đầu tiên các trường đại học mở ngành, chuyên ngành đào tạo trực tiếp về lĩnh vực này. Vì thế, cùng với các trường, lứa sinh viên tuyển sinh năm nay sẽ chính là những người đặt nền móng trong đào tạo Vi mạch, bán dẫn. Và vì là những nhân lực đầu tiên được đào tạo trực tiếp, chuyên sâu về vi mạch, bán dẫn trong khi thị trường đang rất “khát” nhân lực nên các em không cần lo lắng về cơ hội việc làm. Là người làm trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, bà Huệ cũng khẳng định đây là ngành có thu nhập tốt, càng làm lâu năm thì thu nhập càng cao.
Tuy nhiên, cũng theo bà Huệ, điều quan trọng là sinh viên phải nỗ lực trong học tập để có thể nắm vững kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Việc chọn ngành học không chỉ là về việc theo đuổi xu hướng ‘hot’ mà còn là về sự phù hợp với năng lực và đam mê cá nhân. Thí sinh cần phải tự tin và thông qua sự cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định phù hợp nhất với bản thân.